14 thg 5, 2024

không màu

 

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, cuốn tôi khá ưa thích của Harumi Murakami. Tôi nghĩ mỗi bước ngoặt thăng trầm của cuộc đời nên đọc nó ít nhất lại 1 lần rồi tự hỏi rằng bản ngã của chính mình có màu gì hay cái vô hình tồn tại trong mỗi người có sắc thái như thế nào, nó có lộ ra bản chất và định hình một cá thể giữa xã hội hỗn loạn và gai góc này không.

Murakami thường thiết kế những con người cô độc, nhưng không phải là một cái cây vững vàng mà chênh vênh như bọt biển, như cơn mưa, như chợt thấy bóng mình trong giếng tối.

Murakami cũng chẳng bao giờ dẫn lối, những bậc thang của ông cứ dẫn sâu xuống mãi, chẳng thể khựng lui mà tiến tới trong cuồng quẫn.

Màu của Tazaki Tsukuru là “không màu”, một bức tranh không màu thì có được gọi là bức tranh không.

Mỗi người trong nhóm bạn của Tazaki Tsukuru đều mang một màu sắc riêng trong tên gọi, và họ cũng có những cá tính, sở thích nổi bật của mình. Điều này đã khiến Tazaki cảm thấy tự ti. Tazaki không có màu sắc trong cái tên và cũng tự đánh giá mình là “tầm thường”, không ước mơ, sở thích hay tính cách gì đáng nói. Trong một nhóm bạn đầy màu sắc, sự tồn tại của Tazaki đúng thật là đôi lúc kém nổi trội hơn nhiều, nhưng chính sự kém nổi trội và trầm lắng của Tazaki lại là một thứ chất xúc tác, dung hoà các màu sắc khác nhau ở cạnh bên nhau. Ở bên nhóm bạn, Tazaki cảm nhận được sự gần gũi, tự nhiên, và chính những người bạn của anh cũng cảm giác như vậy khi ở bên anh, giống như Xanh đã nói:

Không, không phải theo cách đó. Rất khó giải thích nhưng có cái gì như thể chỉ cần mày ở đó thì cả bọn sẽ được là chính mình một cách hết sức tự nhiên. Mày không nhiều lời, nhưng sống với hai bàn chân bám chắc trên mặt đất, điều đó tạo cho cả nhóm một cảm giác vững vàng thầm lặng, giống như cái neo tàu. Từ khi không còn mày, bọn tao mới thật sự cảm nhận được điều này. Có lẽ vì vậy mà từ khi không còn mày, bọn tao bỗng trở nên tản mác.”  

8 thg 11, 2023

mộng hải hồ



Trời cứ xanh hoài...

Người thì mơ lang mơ bạt, kẻ chỉ vui thú tược vườn
Người chí tận biển sâu, kẻ truy cầu chân lý
Cái miền đất, trồng một cây bàng, cây lên lá mặn
Kho một con cá, kho xong cá mặn
Gió từ phía biển vàn vạt qua những trảng cát, gió cũng mặn chằng.
Những giọt nước mắt khô khỏng, vón cục chẳng thể chảy xuống được, cứ mưng mẩy trong đáy mắt chai sần, trong cái cô quạnh của vạn chài biển nước
Hiềm một nỗi, mộng hải hồ chưa cạn...

14 thg 6, 2023

vô vi

 


Có những bữa trưa tựa hồ bất tận. Đàn cò những tháng cuối hạ mang ưu tư gầy gò đậu rợp cả bờ sen. Gió mặn từ biển có khi thổi có khi ngưng chừng, mưa có khi ào dội có khi lây phây nhưng tuyệt nhiên không một sinh vật nào mảy may vô tư tự.

Loài người cũng vậy.

Mỗi khi nhìn một người, tôi cố nhìn thật sâu vào mắt họ, rồi nhìn lảng sang vết nhăn khóe mắt hay vết đồi mồi trên gò má, màu môi lợt nhạt. Tự hỏi cái hiện hữu cảm nhận đang trước mắt có thật sự được bóc tách lớp lang đến tận cùng?

Thỉnh thoảng gặp một số người thấy họ an nhiên, bình thản trong mọi chuyện, mọi tình huống: không sôi nổi tị hiềm, cũng không trầm tư mặc tưởng, vui buồn điềm nhiên. Họ biết không có gì là vĩnh viễn nên chẳng nôn nao, họ biết tất cả chỉ như chớp mắt nên không tranh giành, cái sự biết này làm họ thật đáng yêu, thành thử tâm thế họ đối với kiếp sống lồng lộng như gió trời, như mặt nước trong sâu tĩnh lặng. Mấy người này chắc tu mấy kiếp nữa thôi sẽ tới Niết bàn, còn mình có lẽ luẩn quẩn hàng vạn hàng ức kiếp nữa.


1 thg 3, 2023

Viết tiếp những ngày biển xanh



Thấy mùi gió đã khởi, kẻ viễn khơi lại dong thuyền ra sóng nước. Có những trận phong rì rầm bảo người ta rằng cái lối sống câu dầm là một điều thất sách và những hy vọng tự bày ra cách sống để giữ mình chỉ là, thật sự như một cách chết mòn. Tất cả, hoặc là không có gì. Đôi khi buồn trời sầu đất, nỗi tương tư cố lý trỗi dậy mà con tim kẻ mặc khách quằn lại như gỗ mục mối xông.

Trên đất có những con đường, biển cũng vậy, người ta biết, đó là cái luân lý của dân vạn chài mơ mộng hải hồ. Trong cái cô quạnh của vô vạn biển nước, con người thường hoài niệm về những ngày hè bực dọc. Thế nhưng những kỉ niệm kia cuối cùng vẫn bội lý như một pho truyện cổ. Chung quanh những ám ảnh, nó giống một tấn tuồng mà ai đó đã bịa ra, như một loài cá tự thấy mình ở trong trạng huống lạ kỳ: chẳng thuộc về đất liền mà cũng chẳng thuộc về biển cả.

Hải triều trong mũi kê âm ấm như là màu máu loãng. Vầng thái dương phương tây đang rờ rỡ qua bầu trời trầm đục như tiếng gọi của một điệu kèn đồng. Biển giận mình hực lên ngũ sắc, những cá kình, cá giao. Khoảnh khắc tình niệm u ám, tiếng gầm thét của một bè nước tròng trành đập mình vào bờ đá, vỡ xoảng. Cái tiếng gọi của bể khơi, hun đúc đến một vinh quang chưa từng hay biết, một vinh quang pha trộn với sự sống cái chết, với nhục dục, cái vinh quang hun đúc vận mệnh thành trải nghiệm tồn vong hiếm có.
Năm ba mươi tuổi, tôi đã say sưa tin chắc rằng từ dưới đáy sâu tăm tối của thế giới này có một điểm sáng chỉ chiếu rọi riêng, một ngày nào đó sẽ lại gần và chỉ làm cho riêng mình sáng rực lên mà thôi.


7 thg 9, 2022

linh tinh 2

 

1.
Tỉ dụ có người cho mình bằng ấy, mình trả lại cũng bằng ấy thì rõ huề rồi, làm sao cảm thấy thắc mắc, nợ nần mà gắn bó tri hồi với nhau?
Nhớ thuở duyên dẻ còn quấn môi nhau nghĩ vẫn thấy lấn cấn đâu đó vài hạt bụi, giờ lâu lâu cứ xuýt xoa lại vài ký ức còm cõi rằng tên của những kẻ từng thương vốn dĩ đã phai mờ trong "cuốn sổ bụi đời" của riêng mình: đau lòng sổ bụi.
Nên có mấy ai đủ can đảm đếm lại giây phút cuộc đời bằng khoảng cách thiêu thân đến một ngọn đèn? hay một chiều tà? một là đang tâm sòng phẳng, không thì chỉ bòng bong bạc lòng...

2.
Trời cuối thu trưa hè xuống vội. Những mảng nắng hanh hao tươm vàng khắp ngã, gió phả về từ phía biển tất tả tiếng động cơ xe gầy mòn, nắng xuyên qua các vách gỗ mục ngắn dài mối mẹ mối con.
Những bận thảnh thơi, tôi thường nằm trên võng đu đưa cọt kẹt, ngó lên trần nhà, sao cũ nát quá, lộ cả mây trời qua những phên lá đao, cảm tưởng nắng rớt vào má, vào môi, xon xót và mằn mặn. Ngẫm nghĩ thời gian là thứ, đến một lúc nào đó trong cuộc đời, chắc chắn, sẽ làm con người ta khôn cùng vấn trách và luyến tiếc. Hiềm một nỗi, cái sự nhận ra này đến muộn.
Thường thì tôi nằm đó chừng đến khi nào ánh nắng chiếu từ xiên góc chỗ chân tường đến chiếu thẳng chỗ tôi nằm thì tôi về, khoảng thời gian đó chỉ đủ cho tôi hồi tưởng những ký ức cũ vẩn vơ hoặc đọc vội 2-3 chương sách, có khi gió mát quá giấc ngủ ướp muối khi nào không hay. Ai bên dưới bếp đang lọ mọ nấu vài nhánh cải vàng, trộn cùng lá bưởi, lá khế gì đó mà thoang thoảng.
Ngoài kia biển sóng đi hoang. Trong này, hương thơm mang máng.

3.
Tôi vẫn thấy tuổi già của bản thân mình khi soi vào chúng bạn. Trái tính trái nết, đau đáu nỗi đời không biết nói cùng ai, bỗng dưng đến tuổi bạn đi đâu mất, thấy lẻ loi trong cả nhà mình. Nhớ khi ngồi túm tụm những câu chuyện xàm xàm, nói cho đã cơn thèm, ba hư bảy thực của bạn làm bữa rượu bỗng ngọt hơn mà cười ràn rụa nước mắt. Xưa góp giàu sang người ta gọi mời, giờ góp ưu phiền người ta ngần ngại, thành ra bọn tôi mỗi đứa cứ luẩn quẩn theo cái vòng vô tận của riêng mình.
Sau những phút giây ấy trong tôi bỗng có cái nghĩ: ở trong một cái chòi nhỏ chật chội lọt thỏm trong hẻm nhỏ giữa lòng thành phố, biết đâu chủ nhân của những huyền thoại đang khát rượu một mình.

7 thg 11, 2021

covid



Quán cà phê ghế đẩu, cặp vợ chồng chăm chú lướt điện thoại. Những đứa trẻ chạy qua lại vừa hát nghêu ngao. Ở miền ký ức, không khí lễ tết chưa cạn đến đáy lại đầy, do nghỉ học dài quá chừng. Năm nay dịch tràn lan, họ quyết định cho gia đình ở lại thành phố, tiết kiệm được một khoản, nhưng sắp trẻ rấm rứt hùi hụi gì đó trong tâm can không nói ra được. Chúng lo con chó đốm nhà nội không biết một năm qua lớn được bao nhiêu, cây bưởi, cây xoài nhà chú Tư có sai trái, con diều mua hồi kì nghỉ hè vội chưa kịp thả nằm chỏng chơ trong góc tủ bám bụi thêm một năm nữa. Cây khế sau nhà sẽ vẫn mốc meo thân sau một năm gội đầu mưa gió vì vắng đám nhóc khoái leo trèo....

Ngoài hiên thiếu nắng, đám chim sẻ đứng ngơ ngác rồi bay mất tiêu, cái hiên này không đủ rộng để chơi.

18 thg 3, 2020

viết cho những ngày biển xanh




* Ngày biển xanh thứ nhất:
Mình thường không có thói quen đồng cảm với niềm vui của người khác, nhưng với nỗi buồn thì ngược lại, dễ cảm nhận hơn. Người ta sẽ hiểu đôi chút về thời tiết, nếu ngày nào cũng theo dõi các đám mây. Có một nỗi buồn nào đó thi thoảng ngập tràn trong mắt biển, những đôi mắt xanh như ngọc, như hồ thẳm. Nhờ ngắm những đôi mắt biển đó mà mình lấy lại được sự cân bằng nội tâm sau những dư âm mỏi mệt không rõ nguồn cơn nguồn cớ. Một sự cứu rỗi luôn kiến hiệu.

* Ngày biển xanh thứ hai:
Chú Ng. bảo những ngày này hai hướng gió nam và gió bắc cùng thổi qua lại nên triệt tiêu lẫn nhau, biển vào mùa êm đềm nhất. Chú Ngọ lại bảo mùa này ngư dân rục rịch đi đánh mực, mực đầu mùa thường giá cao hơn. Tất cả mọi hoạt động đó dường như diễn ra trong một thứ đại dương hỗn độn, lắm khi khốc liệt, và anh như cá biển chán chìm trong nước đột nhiên ngoi lên với hai bàn vây trắng sau một thời gian ngỡ như mình đã có cả một khoảng vẫy vùng xanh biếc đủ lớn cho một cuộc sống vô ưu.

 * Ngày biển xanh thứ ba:
Tôi chưa thấy biển đóng băng bao giờ, thơ ca cũng chẳng ai đề cập hay do tôi sống ở vùng nhiệt đới nên vấn đề này ít được người ta lưu tâm. Trong One piece ở trận đánh Marineford, Đô đốc Aokiji xuất một chiêu đóng băng cả đợt sóng thần và một vùng biển rộng lớn, mình cứ xem đi thưởng lại phân cảnh đó rồi ngộ ra rằng mình rất có cảm tình với những nhân vật có sức mạnh của băng giá như: Toshiro trong Bleach, Haru trong Naruto, Pryce trong Pokemon… Xét cho cùng những kẻ mang băng giá luôn tình cảm hơn vẻ bề ngoài nhiều, nhưng chí ít thì bạn cũng phải chịu xíu lạnh lẽo để thấu cảm người ta.

 * Ngày biển xanh thứ tư:
Ánh hoàng hôn nhập nhoạng nhuộm đỏ mặt biển, như lửa cháy. Lâu lắm rồi mình không được thấy một đám cháy lớn. Cái cảm giác sức nóng vần vật vào mặt, râm ran tâm trí và hoang tàn đỏ lửa, tất cả sẽ là miền cỏ hoang lụi tàn trong tiếng gió như mảnh tre xé ngang không khí. Ở tận sâu đâu đó bóng tối của tâm trí, tôi chợt nghĩ đến quang cảnh mặt biển dưới cơn mưa đêm. Trời mưa trên một đại dương rộng lớn, quang quẻ, những hạt nước đập ràn rạt lên mặt con sóng, không một ai thấu tỏ, không một ai ý thức được, ngay cả những con cá tinh tường nhất có thể.

* Ngày biển xanh tiếp theo:
Dịch cúm Covid tràn tới Bình Thuận rồi, mấy ngày trước còn ngồi hả hê chém gió rằng vùng đất này khắc nghiệt, biển mặn nắng gắt, con vi rút nào trụ nổi.

1 thg 3, 2020

cắt tóc

Ghé 30shine dặn nhóc barber rằng:
chừ đi đám người thương cũ, cắt răng cho ngầu?
nếu thời gian không làm hạnh phúc phai màu
thì ta vẫn hẹn nơi gọi là bến đỗ
nằm nghe sóng vỗ thì thào những tròng trành
về gió về mây, về mấy điều vốn dĩ
mà ai đó đã bỏ lại
cùng trùng trùng sóng sóng thiên di

Nhóc barber nói: thôi bỏ đi anh
vì mong manh nên mới cần nắm giữ...
mình cười bảo cắt gì mặt thêm bự?
hứa vẫn xin thương bằng muôn sự thật lòng.

29.02.20

7 thg 7, 2018

học toán


Khi dạy kèm toán cho ai đó, tôi chợt nhận ra người học toán lại là người dễ chấp nhận nhất. Họ xem công thức mà người dạy đưa ra là mặc định đúng, không cần hiểu tại sao hình thành nên công thức đó, thi thoảng tôi vẫn vậy: nói học trò là chỉ cần học thuộc công thức và cách sử dụng thôi, là đủ rồi. Khi đó, ngẫm nghĩ thấy mình sai trái quá.

Ở VN, có một kiểu học toán là giải toán thực hành, được nhiều đời thầy giáo từ Bắc xuống Nam ngồi chế ra những bài toán mới, một mớ toán được soạn ra bằng cách biến đổi ngoằn ngoèo tới lui cho đến khi áp dụng được công thức đã thuộc, mà đường đi riêng đó có khi: chỉ người ra đề mới biết, cốt sao cho người học muốn giải bài toán này phải vận dụng triệt để kiến thức toán học, mà kiến thức đó thật ra là kết quả từ toán lý thuyết mà học sinh bị ép “chấp nhận vô điều kiện”.

Gặp một vài học sinh chuẩn bị thi đại học môn toán lần này, hỏi một khái niệm mà tôi cho rằng tương đối giản dị: Đạo hàm là gì? Tạm bỏ qua khái niệm chính xác, thì một người vận dụng được đạo hàm ở mức khái niệm tối thiểu phải biết đạo hàm là vận tốc tức thời của chất điểm hay là hệ số góc tiếp tuyến của một đường cong. Thế mà hiếm khi một học sinh phổ thông nào trả lời được, nhưng vẫn có thể tính được đạo hàm của một hàm số khá phức tạp. Vậy nên học giỏi toán ở Việt Nam chưa hẳn khó lắm, đôi lúc chỉ cần có lý trí vừa phải và trí nhớ tốt, là đủ để giỏi toán. Thầy dạy Đại học tôi ngày xưa gọi đó là thứ toán mánh mung.
Nói tới đây chắc nhiều bạn nói tôi thế này thế kia. Học cho nhiều, bày vẽ cho lắm rồi không áp dụng được kiến thức gì vào cuộc sống, không làm giàu được thì học để làm gì. Thôi kệ, sống để bụng chết mang theo vậy.

Ngày xưa có học giải một bài toán thế này: “Khi sản xuất lon sữa bò hình trụ, các nhà sản xuất luôn đặt mục tiêu sao cho chi phí nguyên liệu làm vỏ hộp là ít nhất, tức là diện tích toàn phần hình trụ là nhỏ nhất. Em hãy tính diện tích toàn phần của lon sữa bò khi ta muốn có thể tích sữa cho trước.”
Tôi thì học xây dựng, nên chế ra một bài toán tương tự thế này: “Ba mẹ vợ nhờ bạn thiết kế một cái hồ chứa nước mái hình trụ thể tích 200m3. Đơn giá vật liệu, nhân công với đáy bê tông dày 150 là 1050k/m2, thành xây gạch 250k/m2, bề mặt ốp gạch 380k/m2. Vậy kích thước của bể nước như thế nào để số tiền xây dựng nó là ít nhất và để lấy lòng nhà vợ?

Nói vui vậy thôi, tại rảnh rang quá mà.
Gợi ý: Bài toán trên giải bằng đạo hàm đấy :)

linh tinh



1.
Rong ruổi Saigon gần chục năm, quận này quận khác, đường nọ đường kia, chưa rành hết ngõ ngách quận 10 lại chuyển về quận 5, chưa la cà hết quán xá quận 5 lại chuyển sang Bình Thạnh, chưa khám phá hết những cây cầu vô danh Bình Thạnh lại chuyển tới Tân Bình, nói chung vất vưởng một thời, giờ vẫn vậy.
Rốt cuộc Saigon có bao giờ là nơi đủ đầy để nuôi dưỡng tâm tình, để rồi đi xa có nhớ...

2.
Buồn như người đàn ông phòng bên, thảng hoặc nhìn xa xăm vào bức tường vôi, nhâm nhi vài câu hát ngậm ngùi, mộng về Saigon phồn thị, đi với người tình hò hẹn trên con đường tháng ba băn khoăn mùi mưa bất chợt? mơ mùa hoa về tháng năm nắng bụi? tìm hoài màu gió bấc heo may tháng chạp?
Người đàn ông khựng lại, sợ vỡ bóng mình trong nước, loang lổ mảng chiều rụng bên đầu giấc chiêm bao.
Những ngày mưa đầu mùa bé tỉ tì ti, xíu xỉu xìu xiu như vầy, nhà tôi thường bắt gà nấu cháo, hái lá ngải cứu, cải xanh, rau thơm sau vườn. Thời thơ ấu có khi chỉ mong mưa nhiều, miền sơn khê núi phủ, mưa gió nhiều người ta thường không lao động, người ta ngại bóng mình âm thầm giữa long đong.




3.
Lâu lắm rồi mình không được thấy một đám cháy lớn. Cái cảm giác sức nóng vần vật vào mặt, râm ran tâm trí và hoang tàn đỏ lửa, tất cả sẽ là miền cỏ hoang lụi tàn trong tiếng gió như mảnh tre xé ngang không khí. Lúc nhỏ tưởng khi ở nhà tranh, vách lá người ta mới thao thức. Lớn rồi rốt cuộc nhận ra rằng: con người ta, cuối mặt xuống chưa hẳn là đất, ngẩng đầu lên chưa chắc là trời. Gió sẽ vẫn thổi suốt đêm. Cuộc đời đôi khi buồn như chén rượu nhạt.

4. 
Saigon ướt đẫm những giọt mưa lây phây, mưa chỉ như sương khói, khói sương giăng giăng trên mái ngói nâu trầm, khói sương lẩn vào trời đất, như kẻ mộng du, ngà ngà say hương trên phố vương mắc nỗi buồn tênh, vèo một cái, trôi qua nhanh như một chớp nhoáng, vèo trôi qua những phiêu rong, qua những nỗi niềm, những cuộc hò hẹn, những ngày tụ tập, nhưng mông mênh.

Vì mưa nên phố loay hoay, hàng bằng lăng rì rào đại lộ mới. Nhiều con đường ngắn chạy lô xô về phía bến sông, tôi thường không có cảm tình với những con đường quá ngắn, chúng không đủ để nuôi trong tôi sự thênh thang, nhưng phố mình toàn đường ngắn, và toàn đèn đỏ...